Phân biệt các loại lụa tơ tằm
Updated: 3 days ago
Lụa tơ tằm là một loại sản phẩm cao cấp bởi nó sở hữu những đặc tính quý giá mà không phải loại vải nào cũng có được. Có thể kể đến như sau:
Mềm mại: tạo cảm giác thoải mái khi mặc.
Bền: sức chịu đựng của sợi tơ rất cao. Một sợi tơ có đường kính 1mm, chịu đựng được trọng lượng rất lớn so với đường kính của nó, do đó vải tơ tằm còn được dùng làm buồm, làm dù cho phi công.
Nhẹ: Một sợi tơ dài 1000m chỉ nặng 3gr, nên 1 mét lụa chỉ nặng từ 80 – 100gr. Vì vậy quần áo lụa không gây cảm giác nặng nề không gây cọ xát cho người sử dụng.
Tính đàn hồi tốt: Các loại lụa dệt bằng tơ se tốt, nếu làm nhàu, khi lụa tiếp xúc với không khí sẽ phẳng trở lại.
Tính hút ẩm cao: Vải tơ tằm có khả năng hút mồ hôi, nhưng không gây cảm giác ướt át cho người mặc lúc oi bức. Vải tơ tằm tạo sự mát mẻ về mùa hè và tạo sự ấm áp về mùa đông cho người sử dụng.
Lụa tơ tằm không dẫn điện nên không hấp thu điện từ trong tự nhiên như các loại sợi tổng hợp. Mặc vải tơ tằm không bị dị ứng.
1- Phân biệt lụa tơ tằm và lụa pha.
Lụa là từ dùng chung để chỉ loại vải mịn, mỏng được dệt từ tơ, bao gồm các loại tơ cotton, tơ tổng hợp, tơ polyeste, tơ tằm… Vấn đề ở đây, chúng ta cần hiểu chính xác như thế nào là lụa tơ tằm và như thế nào là lụa pha? Lụa tơ tằm là lụa được làm từ 100% sợi tơ tằm được chiết xuất từ kén tằm. Ngược lại lụa pha là lụa không được làm từ sợi tơ tằm mà từ nguồn tơ khác như cotton, polyeste.
Khi bạn đi mua một sản phẩm lụa thì trong lúc mua bạn có thể xin người chủ cửa hàng cắt một mảnh mẫu thử nhỏ và đốt thử. Lụa tơ tằm có nguồn gốc từ động vật, nên khi đốt có mùi khét giống mùi tóc cháy. Tro sau khi đốt thì thành muội than, khi dùng tay bóp nhẹ thì tan ra chứ không bị vón cục. Còn nếu sản phẩm không phải là lụa thật thì sẽ có mùi như nhựa cháy (nếu vải Polyester) hoặc có mùi như giấy cháy (nếu vải cotton) và khi cháy không tại thành muội than. Đây được xem cách hiệu quả nhất, để phân biệt lụa thật và lụa giả, cho dù bạn chưa có nhiều kinh nghiệm trong ngành lụa, nhưng bạn cũng dễ dàng phân biệt ngay lập tức khi sử dụng phương pháp này.
Lụa tơ tằm thật khi sờ vào vải có cảm giác mát tay, trơn mịn, không gây bám rít, khó chịu cho da. Sự khác biệt này bạn có thể cảm nhận được ngay từ khi vừa mới cầm trên tay tấm vải lụa tơ tằm 100%.
Lụa tơ tằm được dệt từ các sợi tơ tằm nguyên chất có độ bóng mượt, mịn và ánh kim. Bởi cấu trúc của sợi tơ tằm giống với hình tam giác với các góc cạnh bo tròn, vì thế ở mọi góc độ ánh sáng khác nhau, vải lụa óng ánh, bóng bẩy một cách lạ kì. Trong khi lụa pha thì không có ánh kim của vải như vậy. Đây được xem là cách phân biệt khá hiệu quả, nhưng có chút khó khăn dành cho những khách hàng không sành lụa tơ tằm. Bởi vì, có một số loại tơ tổng hợp, hay tơ cotton mỏng, có độ bóng cao khi dệt nên vải cũng cho độ bóng, nhưng độ bóng của vải thông thường không giống như những ánh kim hiện lên trên nền vải lụa tơ tằm. Đối với những người thợ làm nghề lâu năm, hay những chuyên viên bán hàng thì sự phân biệt này dễ dàng hơn.
Một điều hiển nhiên là giá lụa thât luôn luôn cao hơn giá lụa giả, và cao hơn rất nhiều lần. Nếu một sản phẩm được gọi là lụa mà giá bán của nó lại cực kì rẻ, thì rõ ràng là bạn có thể đoán chắc được chất lượng sản phẩm đó là như thế nào.
2 - Một số kiểu lụa tơ tằm
* Lụa satin:
Satin là loại vải dệt áp dụng kỹ thuật dệt vân đoạn, tạo nên ít sự đan kết giữa sợi ngang và sợi dọc. Trong kiểu dệt vân đoạn này, sợi ngang chui xuống dưới một sợi dọc sau đó đè lên trên ít nhất hai sợi dọc và tiếp tục như vậy. Sợi ngang tiếp theo sẽ được dịch qua phải ít nhất hai sợi dọc và lên trên một. Với cách dệt trên, sản phẩm ra sẽ có vải mặt trên có nhiều sợi ngang song song hơn, việc khiến cho vải có độ bóng tùy thuộc vào ánh sáng chiếu lên. Cách dệt này tạo cho vải có hai mặt và mặt sau phần nhiều là sợi dọc. Qua kỹ thuật dệt đó, vải có bề mặt láng và bóng ở mặt trên và thô mờ ở mặt dưới. Tùy theo loại tơ, sợi vải, satin có thể nặng nhẹ, thô, mờ hay láng bóng, mềm mại, thướt tha hoặc đơ cứng khác nhau.
Để tạo ra vải satin, người dệt có thể ứng dụng nhiều loại vải khác nhau nhưng được sử dụng nhiều nhất vẫn là sợi polyester, sợi tơ tằm và sợi viscose vì đây là những chất liệu làm tăng độ bóng của sản phẩm.
Lụa satin được dệt từ sợi tơ tằm sẽ tạo nên sản phẩm chất lượng cao cấp, độ rũ óng ả và mềm mại, bóng đẹp cho sản phẩm. Ngoài độ bóng cao như mọi loại satin chất liệu khác, lụa satin tơ tằm rất nhẹ nhàng, mềm mại, rút mồ hôi, mát mẻ vào mùa hè, lại không tích điện dính sát vào người trong mùa đông. Lụa satin kết cấu chặt chẽ, cảm ứng tinh tế và mềm mại, ánh là tự nhiên, khi may lên tạo vẻ cao quý và thanh lịch.
* Lụa Crepe
Lụa crêpe là loại vải sang trọng, bề mặt bóng, vải se nổi mặt cát do sợi dệt được xoắn nhiều. Lụa crêpe có độ rủ đẹp, được sử dụng rất nhiều để làm váy liền, quần, váy ngắn, váy cô dâu và đầm dạ tiệc.
Các nước sản xuất lụa trên thế giới đều có loại lụa crêpe của riêng mình với những tên gọi khác nhau. Loại crêpe từ Trung Quốc thường được gọi với tên Crêpe de Chine. Loại vải lụa Trung Quốc này nhẹ hơn và ít se nổi hơn crêpe thông thường. Nó rất bền và ít nhăn.
Một nhánh khác của lụa crêpe là lụa Georgette. Georgette cũng là một loại lụa rất đẹp, được dệt trơn, bề mặt nhám, mỏng nhẹ và tạo cảm giác khô thoáng. Georgette bền nhưng lại dễ hằn nếp và không mềm mại như crêpe.
* Lụa Dupion
Dupion còn có nhiều tên gọi khác như Douppioni, Doupioni hoặc Dupion. Loại lụa này được dệt từ hai loại sợi tơ màu khác nhau, vì thế, lụa Dupioni có thể thay đổi màu sắc theo góc độ ánh sáng. Dupioni được dệt từ loại kén đôi hoặc kén lồng vào nhau. Người ta phải se chúng với nhau để tạo ra loại Dupioni thượng hạng như ngày nay chúng ta thường thấy.
Dupionio thường có màu sáng, rủ sóng vừa phải, khá bóng sáng, ít nhăn và đứng dáng, hai mặt đều giống nhau, không co giãn nhiều mà lại rất dễ may đo.
* Lụa charmeuse
Loại lụa truyền thống mà chúng ta thường biết đến chính là lụa charmeuse. Charmeuse có hai mặt khác nhau, mặt ngoài bóng mềm, còn mặt trong thì hơi thô gợn. Charmeuse được yêu thích bởi vẻ bóng sáng, sang trọng và tính đàn hồi tự nhiên. Charmeuse được sử dụng rất nhiều trong ngành thời trang. Loại vải này trơn mềm nên khi may cần phải rất cẩn thận.
* Lụa chiffon
Chiffon là loại vải lụa gần như trong suốt, rất nhẹ, mịn, mềm, nhưng khi bạn sờ tay vào chiffon, bạn sẽ thấy thực ra loại lụa này rất chắc chắn. Các sợi ngang của vải được xoắn theo hình chữ S hoặc Z. Các nếp nhăn đặc trưng của vải xuất hiện do các sợi ngang bị kéo về một phía.
Trước kia, chúng ta thường chỉ thấy chiffon trơn, tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hiện nay đã xuất hiện những loại chiffon có in hình họa tiết nhiều màu sắc rất tinh tế.
* Lụa hai da - Twist Silk
Đặc điểm của lụa này là 50% silk và 50% visco có ánh sắc rất đẹp, mỗi khi ánh sáng chiếu vào, những sợi tơ sẽ ánh lên hai thứ sắc pha trộn nhau. Với công nghệ dệt hiện đại, lụa hai da vừa mềm mại và có độ bóng, vừa dễ ủi, ít nhăn và có độ bền cao
* Lụa gấm Jacquard
Jacquard là công nghệ dệt các hoa văn và họa tiết chìm lên mặt vải nên sang trọng và đắt tiền hơn vải in hoa. Tên Jacquard được đặt theo tên nhà sáng chế loại máy dệt vải họa tiết chìm này, Joseph Marie Jacquard. Vải dệt hoa Jacquard là tên gọi chung, tùy theo chất liệu sợi tơ dệt, có thể là Jacquard Cotton, Jacquard CVC, hay Jacquard polyester. Bản thân tên gọi Jacquard không thể hiện chất liệu được sử dụng. Vải Jacquard có bề mặt láng bóng có nhiều mẫu hoa văn phong phú giúp cho khách hàng dễ lựa chọn.
Lụa Jacquard được dệt từ 100% sợi tơ tằm thiên nhiên, mềm mại, nuột nà, óng ả. Bên cạnh màu sắc tươi trẻ, đa dạng, óng ánh đặc trưng của tơ tằm, các hoa văn phong phú trong kỹ thuật dệt hoa văn chìm đem lại sự lựa chọn đa dạng cho khách hàng.
* Lụa Organza
Organza có cấu trúc dệt xoắn. “Mình” hàng organza hơi cứng và có thể nhìn xuyên suốt. Organza sử dụng thích hợp nhất là các sản phẩm may mặc hoặc trang trí cho áo cưới hoặc đầm dạ hội sang trọng.
Comments